Tại sao mang vớ áp lực lại chữa được suy tĩnh mạch chân?

Ngày: 18/06/2019 lúc 16:18PM

Suy tĩnh mạch được định nghĩa là tình trạng các tĩnh mạch không thể bơm đủ máu trở về tim. Sự trao đổi chất giữa mao mạch và mô bị xáo trộn gây ra hiện tượng thoát dịch khỏi tĩnh mạch, làm phù chân, gây ra sự ứ đọng các sản phẩm chuyển hóa tại các mô của da và lớp dưới da, lâu dần có thể dẫn tới thay đổi dinh dưỡng tại da, gây ra chàm và loét tĩnh mạch.
Nguyên nhân hay gặp nhất của suy tĩnh mạch chi dưới là bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu trước đó và bệnh dãn tĩnh mạch. Trong đa số trường hợp, bệnh nhân vừa có tắc dòng máu đi lên vừa có trào ngược trở lại qua các van bị hở. Mang vớ áp lực là một biện pháp điều trị hay được sử dụng nhất, có tác dụng làm giảm trào ngược, làm tăng tốc độ dòng máu tĩnh mạch sâu và làm giảm áp lực tĩnh mạch khi đi lại, đồng thời có tác dụng đề phòng được hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu. (Xem thêm bài "Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới", đăng ở Bản tin Bệnh viện ĐHYD số 29, phát hành tháng 9/2012).

Vớ áp lực là gì và cơ chế tác dụng ra sao?
Vớ áp lực được đan dệt bằng các kỹ thuật đặc biệt sao cho áp lực tác động lên từng đoạn của chi dưới phù hợp với sinh lý bình thường: chặt hơn ở gần cổ chân và lỏng dần khi đi lên cao, luôn ôm lấy chân và đẩy máu theo các tĩnh mạch chân đi lên tim.
Cơ chế tác dụng của vớ áp lực rất đơn giản: khi mang vớ với áp lực phù hợp, các van tĩnh mạch vốn bị hư hại (bị hở) sẽ khép kín trở lại, nhờ đó phục hồi lại được chức năng, hạn chế máu ứ trệ chảy ngược và cải thiện dòng hồi lưu tĩnh mạch, giảm nhẹ các triệu chứng của suy tĩnh mạch mạn tính như phù, nhức, đau và đề phòng được hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu.
Trong giai đoạn khởi đầu điều trị suy tĩnh mạch, dùng vớ áp lực nên được phối hợp với điều trị bằng thuốc hoặc chích xơ hay phẫu thuật. Trong những giai đoạn về sau, hoặc khi dùng trong dự phòng hoặc khi có tái phát, bệnh nhân nhiều khi chỉ cần mang vớ áp lực là đủ.

 Vớ áp lực với điều trị bệnh tĩnh mạch?
Ở phụ nữ có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, vớ áp lực có thể giúp đề phòng biến chứng này vì giữ cho dòng máu lưu thông (máu lưu thông kém dễ hình thành cục máu đông). Khi bạn có các nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu (hút thuốc, đái tháo đường, quá cân hay béo phì, các khiếm khuyết di truyền về đông máu, các vấn đề tim mạch khác, điều trị nội tiết như dùng thuốc tránh thai hay điều trị mãn kinh...) mang vớ áp lực có thể đề phòng biến chứng huyết khối, nhất là trong hoàn cảnh phải bất động kéo dài, sau mổ lớn, chấn thương nặng, mang thai và mấy tháng đầu sau sinh hay khi đi du lịch đường dài. Cần lưu ý các yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu không thể kiểm soát như: tuổi (tăng gấp đôi mỗi 10 năm sau tuổi 50), gia đình, chủng tộc (hay gặp nhất ở người Mỹ gốc Phi), ung thư hay hóa trị.
Nếu đang bị huyết khối tĩnh mạch sâu hay thuyên tắc phổi, cần mang vớ áp lực ít nhất là một năm để đề phòng hình thành các cục máu mới, giảm phù và đau chân.
Vớ áp lực cũng giúp cải thiện dòng máu sau các can thiệp điều trị bệnh tĩnh mạch, và có thể giúp đề phòng cũng như chữa khỏi các loét chi do bệnh tĩnh mạch.
Có một phương tiện mạnh hơn vớ là công cụ ép hơi không liên tục, tạo được một áp lực theo nhịp đập đẩy máu đi qua các tĩnh mạch.

Các loại vớ áp lực nào có thể dùng được?
Các loại vớ áp lực khác nhau về kiểu cách, cường độ, và kích thước. Việc lựa chọn vớ tùy thuộc vào bệnh tĩnh mạch của bạn nặng nhẹ ra sao và lan rộng đến đâu, cần một áp lực như thế nào để không bị ứ đọng máu ở chân.
Thông dụng nhất là các vớ dài từ ngón chân đến đầu gối hoặc đến giữa đùi.
Cường độ của vớ đo bằng mm Hg. Các vớ cường độ thấp (10-20 mm Hg) thường dùng để đề phòng huyết khối tĩnh mạch sâu cho các phụ nữ có nguy cơ thấp, hoặc để điều trị các dãn tĩnh mạch dạng mạng nhện và phù do suy tĩnh mạch mạn tính nhẹ. Các vớ mạnh hơn (20-50 mm Hg hay lớn hơn) có thể cần đến khi bạn đã bị huyết khối tĩnh mạch sâu hay có nguy cơ cao, hoặc khi bạn bị bệnh tĩnh mạch mạn tính nặng.

Những ai không được mang vớ áp lực?
Phụ nữ bị bệnh động mạch ngoại biên của chân thể vừa hay nặng không được mang vớ áp lực, vì nó ngăn cản dòng máu động mạch đi xuống chân làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh động mạch.
Phụ nữ đái tháo đường có các vấn đề thần kinh ở chân (bệnh thần kinh ngoại biên) không được mang vớ áp lực vì làm cho họ không nhận thấy được các triệu chứng khi dòng máu đi xuống chân tồi.

Bác sĩ bảo tôi mang vớ áp lực, tôi cần biết rõ những gì?
Hỏi bác sĩ về kích thước và cường độ của vớ thích hợp với bạn và phải mua loại tốt (một điều tra cho biết ¼ số bệnh nhân mang vớ kích thước không phù hợp, quá lỏng không phòng ngừa được huyết khối hoặc quá chặt ngăn cản dòng máu. Phải chú ý bạn tăng hay giảm cân và sự thay đổi tình trạng phù, phải đổi vớ kích thước khác.

  • Bạn phải mang vớ suốt ngày, mọi ngày, và bỏ ra ban đêm. Nếu bạn không thể chịu đựng mang vớ suốt ngày thì lúc đầu hãy mang trong ít giờ cho quen rồi sau tăng dần.
  • Kiểm tra thường xuyên xem vớ có bó chặt gây đau hay kẹp vào da tại nơi miệng vớ, vì nó có thể làm ngắt dòng máu và thực sự có nguy cơ gây huyết khối.
  • Vớ có thể tồi đi và mất chun dãn sau 3-6 tháng, phải thay vớ khác. Chú ý quy cách giặt máy, tốt nhất là giặt tay.

Vớ phải chặt để tạo được một áp lực lên chân, cho nên khi đi vớ có thể gặp khó khăn. Mách cho bạn một số mẹo: đeo vào buổi sáng, nếu da chân ẩm thì xoa một ít bột talc, cầm nơi miệng vớ và lồng quanh bàn chân về phía gót, đút chân vào càng sâu càng tốt và gót để đúng hướng, nắm lấy phần cuộn của vớ và kéo lên với hai tay cho đến khi miệng vớ lên đến đúng vị trí và không xoắn vặn vớ, tháo vớ ra một chút và lại kéo tiếp đến khi miệng vớ lên đến đích, đi thử bắt đầu trên các ngón chân và kéo vớ lên cho đến khi không còn các nếp nhăn. Có khi phải cần đến các dụng cụ đặc biệt giúp bạn khi đi vớ.
Phải theo dõi các vấn đề dòng máu ở chân và bàn chân của bạn, ít nhất là một lần trong ngày. Nếu da bị nứt, lạnh, tái, hay tím, hoặc bị tê hay có cảm giác như kim châm kéo dài khi mang vớ thì phải gọi điện thoại cho bác sĩ của bạn. Có thể bạn phải đổi vớ có kích thước và cường độ khác để giữ cho dòng máu đi xuống chân tốt...

Nguồn trích dẫn: bệnh viện đại học cơ sở 2

Trần Bảo Châu
BÌNH LUẬN

Tin cùng chuyên mục